Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Tác dụng phụ trên máu và hệ tạo máu của hóa chất trị liệu ung thư

Tủy xương là nơi sản xuất ra các tế bào máu, bao gồm : hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Trong đó, hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển khí oxy tới tế bào và đưa carbonic khỏi tế bào, giúp tế bào duy trì sự sống; bạch cầu là tế bào làm nhiệm vụ miễn dịch, giúp chống lại sự nhiễm trùng cho cơ thể, và tiểu cầu là tế bào quan trọng tham gia vào quá trình đông máu.

Xem thêm: Thông tin cơ bản về máu và hệ tạo máu

Trong điều trị ung thư bằng phương pháp hóa trị liệu, tức đưa hóa chất vào cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư. Các hóa chất này sẽ nhắm mục tiêu là các tế bào đang nhân lên một cách nhanh chóng – chính là các tế bào ung thư (do các tế bào này thường nhân lên nhanh hơn so với tế bào bình thường). Do vậy, các hóa chất trị liệu sẽ tiêu diệt một phần những tế bào tủy xương, dẫn tới việc giảm sản xuất tế bào máu. Tùy theo loại tế bào máu bị ảnh hưởng nhiều nhất, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ khác nhau hoặc đồng thời như :  thiếu máu (do giảm hồng cầu, dễ nhiễm trùng do thiếu bạch cầu, và dễ chảy máu do thiếu tiểu cầu)
Trong trường hợp này, các bác sĩ thường phải theo dõi sát sao số lượng của các loại tế bào này, nhằm có những phương pháp điều trị thích hợp, kịp thời.
1, Thiếu hồng cầu (hay còn gọi là thiếu máu)
Khi tủy xương giảm sản xuất hồng cầu, sẽ không có đủ hồng cầu để vận chuyển dưỡng khí cho các tế bào, ngăn cản các hoạt động trao đổi chất, đồng hóa, dị hóa của tế bào. Do vây, tế bào hồng cầu là một thành phần vô cùng quan trọng trong máu. Thiếu hồng cầu được gọi là thiếu máu. Khi thiếu máu, người bệnh sẽ thấy mệt mỏi, chóng mặt, da xanh, dễ cảm thấy lạnh, đôi khi có thể thấy nghẹt thở.
Nếu số lượng hồng cầu xuống quá thấp, bệnh nhân có thể phải truyền máu hoặc sử dụng các loại thuốc giúp tăng tạo các tế bào hồng cầu.
2, Vấn đề chảy máu hoặc các bất thường trong quá trình đông máu.

Các thuốc dùng trong hóa trị liệu ung thư có thể ảnh  hưởng tới việc sản xuất tế bào tiểu cầu từ tủy xương. Đây là các tế bào tham gia vào quá trình đông máu, tạo các nút tại vị trí mạch máu bị tổn thương, duy trì sự toàn vẹn của mạch máu. Nếu không có đủ số lượng tiểu cầu lưu hành trong máu, chúng ta có thể bị chảy máu hoặc bị bầm tím dễ dàng, ngay cả khi gặp những thương tích rất nhẹ.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy báo ngay cho bác sĩ các triệu chứng như dễ bầm tím, nốt đỏ xuất huyết dưới da, có máu trong phân hoặc nước tiểu (nước tiểu đỏ hoặc hồng, phân đen), hoặc các triệu chứng chảy máu cam, chảy máu chân răng, nhức đầu dữ dội, chóng mặt, mệt mỏi, đau nhức trong bắp thịt hay khớp xương.
Nếu bạn gặp quá nhiều triệu chứng chảy máu, số lượng tiểu cầu của bạn xuống thấp, bạn có thể sẽ phải truyển tiểu cầu.
3, Các vấn đề về nhiễm trùng do thiếu tế bào bạch cầu:
Nếu số lượng bạch cầu xuống thấp, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ không thể đủ sức để chống lại những tác nhân ngoại lai, cơ thể sẽ dễ dàng gặp phải các nhiễm trùng. Các bệnh nhân có teher gặp phải sự nhiễm trùng ở bất kì vị trí nào trên cơ thể, nhưng hay gặp nhất là ở miệng, da, phổi, đường tiểu, hậu môn và bộ phân sinh dục.

Việc suy giảm miễn dịch ảnh hưởng rất lớn tới việc điều trị ung thư. Nếu không kiểm soát tốt số lượng các tế bào bạch cầu, bệnh nhân có thể tử vong do những nhiễm trùng cơ hội mà không phải do bệnh lý ung thư. Do vây, nếu số lượng bạch cầu của bệnh nhân xuống thấp, các bác sĩ có thể sẽ phải ngừng việc điều trị và sử dụng thuốc nhằm làm tăng nhanh số lượng bạch cầu.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét