Cộng đồng chung tay

Chung tay cùng cộng đồng bệnh nhân ung thư máu trong cuộc chiến giữ lại từng giọt máu, giúp họ vượt qua nỗi đau bệnh tật và tiếp sức trong cuộc chiến tinh thần

Nâng cao nhận thức về ung thư máu

Tìm hiểu những kiến thức về bệnh lý ung thư máu, giúp tự chẩn đoán sớm và hỗ trợ cùng chuyên gia y tế nâng cao hiệu quả điều trị

Dinh dưỡng và vận động

Thông tin chế độ ăn uống và vận động nâng cao sức khỏe, tăng sức mạnh tinh thần cho bệnh nhân ung thư máu

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Tác dụng phụ trên máu và hệ tạo máu của hóa chất trị liệu ung thư

Tủy xương là nơi sản xuất ra các tế bào máu, bao gồm : hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Trong đó, hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển khí oxy tới tế bào và đưa carbonic khỏi tế bào, giúp tế bào duy trì sự sống; bạch cầu là tế bào làm nhiệm vụ miễn dịch, giúp chống lại sự nhiễm trùng cho cơ thể, và tiểu cầu là tế bào quan trọng tham gia vào quá trình đông máu.

Xem thêm: Thông tin cơ bản về máu và hệ tạo máu

Trong điều trị ung thư bằng phương pháp hóa trị liệu, tức đưa hóa chất vào cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư. Các hóa chất này sẽ nhắm mục tiêu là các tế bào đang nhân lên một cách nhanh chóng – chính là các tế bào ung thư (do các tế bào này thường nhân lên nhanh hơn so với tế bào bình thường). Do vậy, các hóa chất trị liệu sẽ tiêu diệt một phần những tế bào tủy xương, dẫn tới việc giảm sản xuất tế bào máu. Tùy theo loại tế bào máu bị ảnh hưởng nhiều nhất, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ khác nhau hoặc đồng thời như :  thiếu máu (do giảm hồng cầu, dễ nhiễm trùng do thiếu bạch cầu, và dễ chảy máu do thiếu tiểu cầu)
Trong trường hợp này, các bác sĩ thường phải theo dõi sát sao số lượng của các loại tế bào này, nhằm có những phương pháp điều trị thích hợp, kịp thời.
1, Thiếu hồng cầu (hay còn gọi là thiếu máu)
Khi tủy xương giảm sản xuất hồng cầu, sẽ không có đủ hồng cầu để vận chuyển dưỡng khí cho các tế bào, ngăn cản các hoạt động trao đổi chất, đồng hóa, dị hóa của tế bào. Do vây, tế bào hồng cầu là một thành phần vô cùng quan trọng trong máu. Thiếu hồng cầu được gọi là thiếu máu. Khi thiếu máu, người bệnh sẽ thấy mệt mỏi, chóng mặt, da xanh, dễ cảm thấy lạnh, đôi khi có thể thấy nghẹt thở.
Nếu số lượng hồng cầu xuống quá thấp, bệnh nhân có thể phải truyền máu hoặc sử dụng các loại thuốc giúp tăng tạo các tế bào hồng cầu.
2, Vấn đề chảy máu hoặc các bất thường trong quá trình đông máu.

Các thuốc dùng trong hóa trị liệu ung thư có thể ảnh  hưởng tới việc sản xuất tế bào tiểu cầu từ tủy xương. Đây là các tế bào tham gia vào quá trình đông máu, tạo các nút tại vị trí mạch máu bị tổn thương, duy trì sự toàn vẹn của mạch máu. Nếu không có đủ số lượng tiểu cầu lưu hành trong máu, chúng ta có thể bị chảy máu hoặc bị bầm tím dễ dàng, ngay cả khi gặp những thương tích rất nhẹ.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy báo ngay cho bác sĩ các triệu chứng như dễ bầm tím, nốt đỏ xuất huyết dưới da, có máu trong phân hoặc nước tiểu (nước tiểu đỏ hoặc hồng, phân đen), hoặc các triệu chứng chảy máu cam, chảy máu chân răng, nhức đầu dữ dội, chóng mặt, mệt mỏi, đau nhức trong bắp thịt hay khớp xương.
Nếu bạn gặp quá nhiều triệu chứng chảy máu, số lượng tiểu cầu của bạn xuống thấp, bạn có thể sẽ phải truyển tiểu cầu.
3, Các vấn đề về nhiễm trùng do thiếu tế bào bạch cầu:
Nếu số lượng bạch cầu xuống thấp, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ không thể đủ sức để chống lại những tác nhân ngoại lai, cơ thể sẽ dễ dàng gặp phải các nhiễm trùng. Các bệnh nhân có teher gặp phải sự nhiễm trùng ở bất kì vị trí nào trên cơ thể, nhưng hay gặp nhất là ở miệng, da, phổi, đường tiểu, hậu môn và bộ phân sinh dục.

Việc suy giảm miễn dịch ảnh hưởng rất lớn tới việc điều trị ung thư. Nếu không kiểm soát tốt số lượng các tế bào bạch cầu, bệnh nhân có thể tử vong do những nhiễm trùng cơ hội mà không phải do bệnh lý ung thư. Do vây, nếu số lượng bạch cầu của bệnh nhân xuống thấp, các bác sĩ có thể sẽ phải ngừng việc điều trị và sử dụng thuốc nhằm làm tăng nhanh số lượng bạch cầu.

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Bạn đã hiểu đúng về bệnh lý ung thư máu chưa?

Ung thư máu là thuật ngữ chung để chỉ các bệnh lý có liên quan tới những bất thường tại tủy xương – cơ quan tạo máu và hệ thống hạch bạch huyết.
Ung thư máu được chia làm 3 nhóm chính : bệnh bạch cầu, ung thư hạch và u tủy.  Với mỗi loại sẽ liên quan tới sự ảnh hưởng của bệnh lý tới mỗi loại tế bào khác nhau. Ngoài ra còn có hội chứng Myelodysplastic (MDS) ảnh hưởng tới toàn bộ các dòng tế bào.
1, Bệnh bạch cầu :
Bệnh bạch cầu là bệnh lý mà làm ảnh hưởng tới chức năng của các tế bào bạch cầu. Đây là một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các nhiễm trùng. Các tế bào này được sinh ra tại tủy xương. Ở bệnh bạch cầu, tủy xương sẽ sản xuất một số lượng lớn các tế bào bạch cầu bất thường, chưa trưởng thành. Số lượng lớn các tế bào này sẽ feedback trở lại tủy xương, ngăn chặn tủy xương sản sinh các dòng tế bào máu khỏe mạnh khác : hồng cầu, tiểu cầu. Do vậy, trong bệnh bạch cầu, ngoài việc hệ miễn dịch bị suy giảm do các tế bào bạch cầu không đảm bảo được chức năng, người bệnh còn xảy ra tình trạng mệt mỏi do thiếu máu và thường xuyên bị bầm tím, chảy máu dễ dàng.
Bệnh bạch cầu cấp tính thường xảy ra đột ngột, tiến triển nhanh chóng và cần phải được điều trị khẩn cấp. Ngược lại, bệnh bạch cầu mãn tính lại phát triển chậm hơn, trong vài tháng hoặc vài năm.
Bệnh bạch cầu thường được chia làm 4 loại chính với mức độ phổ biến và nhóm đối tượng ảnh hưởng khác nhau:
-          Bệnh bạch cầu dòng lympho cấp tính (ALL) : đây là loại bệnh bạch cầu phổ biến nhất ở trẻ em.
-          Bệnh bạch cầu dòng lympho mãn tính (CLL) : Bệnh lý này khá ít gặp và thường chỉ gặp ở người lớn trên 60 tuổi.
-          Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (AML) : Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh này, tuy nhiên nó phổ biến hơn cả ở những người trên 65 tuổi.
-          Bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính (CML) : khá hiếm gặp

2, Bệnh u hạch Lymphoma
Đây là một loại ung thư máu có ảnh hưởng tới hệ bạch huyết – một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi sự nhiễm trùng và bệnh tật.
Trong bệnh u hạch, tủy xương sản xuất quá nhiều tế bào tế bào lympho – một loại tế bào bạch cầu. Đồng thời do những bất thường trong sự phát triển, những tế bào này thường sẽ sống lâu hơn bình thường. Tình trạng này làm tổn hại tới hệ thống miễn dịch.
Các u hạch này phát triển trong nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm cả hạch bạch huyết, tủy xương, máu, lá lách và nhiều cơ quan khác.
Ung thư hạch có 2 loại chính :
-          U hạch không Hodgkin : đây là loại u hạch phổ biến hơn cả, chiếm đa số các trường hợp mắc ung thư hạch. Phần lớn các trường hợp được chẩn đoán u hạch không Hodgkin ở độ tuổi trên 65 tuổi.
-          U hạch Hodgkin (hay gọi là bệnh Hodgkin) : ít phổ biến hơn, nhưng nó có thể xảy ra ở bất kì độ tuổi nào. Tuy nhiên, người trẻ tuổi thường hay gặp hơn.
3, Myeloma (U tủy)
Đây là bệnh lý ung  thư máu xảy ra với các tế bào plasma – các tế bào tìm thấy trong tủy xương và tạo ra các kháng thể giúp chống lại sự nhiễm trùng.
Trong bệnh lý u tủy, một số lượng lớn các tế bào plasma bất thường tụ tập trong tủy xương, gây ra các bất thường cho hệ thống miễn dịch.
Nguy cơ mắc u tủy sẽ tăng lên khi bạn già đi (khoảng 40% các trường hợp mắc u tủy ở độ tuổi trên 75)
4, Hội chứng myelodysplastic (MDS)
Đây là hội chứng đề cập tới một nhóm các rối loạn tại tủy xương, làm ảnh hưởng tới việc sản xuất đúng và đủ số lượng, chất lượng của các dòng tế bào máu, bao gồm : giảm hồng cầu, bạch cầu và giảm tiểu cầu.
Tình trạng này làm cho người MDS luôn cảm thấy mệt mỏi, yếu đuối, chảy máu hoặc bầm tím dễ dàng hơn. MDS không phải là một bệnh bạch cầu, nhưng nó có thể dẫn tới bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính. MDS khá hiếm gặp – chỉ khoảng 4/100,000 người, và phổ biến hơn ở người lớn trên 70 tuổi.

Nếu bạn mắc MDS ở mức độ nhẹ, bạn có thể chỉ cần truyền máu thường xuyên và uống thuốc. Tuy nhiên, với những trường hợp mắc MDS nghiêm trọng hơn, có thể bác sĩ sẽ chỉ định một phẫu thuật cấy ghép tế bào gốc và  hóa trị liệu điều trị.